top of page

12/10/22

Luật sư - người góp phần bảo vệ công lý

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghề luật sư (LS) gắn liền với nhu cầu cần được bảo vệ và mong muốn được “chở che” của con người, nhất là nhóm người yếu thế, vì thế nghề LS là một nghề rất nhân bản và cao quý trong xã hội.

Góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Không một nền tư pháp tiên tiến nào trên thế giới không có sự đóng góp một phần quan trọng của LS. Với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, LS góp phần làm minh bạch tiến trình tố tụng, từ đó giảm thiểu các vụ án oan, sai, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên cơ sở các quy định của pháp luật.


“Với vai trò tư vấn pháp luật, LS cũng góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức pháp lý của người dân, từ đó hạn chế phần nào các tranh chấp xảy ra trong xã hội, góp phần tiết kiệm các chi phí và nguồn lực xã hội cần phải bỏ ra để giải quyết các tranh chấp này” - PGS-TS Diệp nhận xét.

PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM, thì cho rằng hoạt động của LS góp phần cùng với tòa án bảo vệ công lý. Vì thế, LS phải luôn độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật với tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

Theo PGS-TS Nhiêm, trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đòi hỏi vai trò của LS phải hướng tới mục đích bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân với sự tận tâm và trách nhiệm. “Để làm được điều này, LS cần không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, thấm nhuần triết lý “dĩ công vi thượng”, luôn giữ cốt cách của người cầm cân nảy mực” - PGS-TS Nhiêm kỳ vọng.


“Định chế” khác nhau nhưng có cùng đích đến


PGS-TS Nhiêm cho rằng hoạt động của LS góp phần quan trọng cho nguyên tắc tranh tụng được vận hành và bảo đảm, bởi nếu không bảo đảm sự tương xứng và cần thiết giữa các bên thì không có tranh tụng đúng nghĩa. Điều này có nghĩa bản thân đội ngũ LS phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ. Đó không chỉ là đòi hỏi nội tại của hoạt động tranh tụng mà còn là mong muốn của xã hội đối với đội ngũ LS.


Theo PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, sự tham gia của LS vào tiến trình tố tụng nói chung có tác dụng đặt ra một đối trọng trong thực thi thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó hạn chế sự tùy tiện trong công tác này, góp phần đảm bảo sự tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan.

Từ góc nhìn của người làm nghề xét xử, ông Phan Thanh Tùng, Chánh Tòa Dân sự TAND Cấp cao tại TP.HCM, nhấn mạnh đến vai trò của LS trong việc bảo vệ quyền lợi luật định của bị cáo (trong vụ án hình sự) và các đương sự (trong vụ án phi hình sự). Ông Tùng nhận xét trong thời gian qua, các LS đã làm tốt công việc của mình khi tham gia tố tụng tại tòa án.


“Ở góc nhìn nào đó, thẩm phán và LS có thể là những “định chế khác nhau” nhưng những “định chế” đó lại có cùng đích đến, đó là sự thật khách quan của từng vụ án” - ông Tùng nhận xét.


Theo ông Tùng, TAND Cấp cao tại TP.HCM là một trong những tòa án cấp phúc thẩm có số lượng án rất nhiều, là tòa án được giao xét xử nhiều vụ “đại án”. “Có rất nhiều yếu tố chi phối hoạt động của TAND Cấp cao tại TP.HCM, trong đó sự tham gia tố tụng nghiêm túc, đúng luật định của các LS là một yếu tố giúp cho việc xét xử đạt kết quả tốt, đảm bảo được quyền lợi của bị cáo, của đương sự” - ông Tùng cho hay.


Theo ông Tùng, bất cứ phiên tòa nào, về “nguyên tắc cứng”, thẩm phán xét xử chỉ đóng vai là “người điều khiển” để cho các bên tham gia tố tụng đưa ra các bằng chứng, nêu ra những lập luận bảo vệ quan điểm của mình (điển hình là những phiên tòa hình sự); đó là sự tranh tụng công khai, rõ ràng. “Trong bối cảnh đó, vai trò của các LS là nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa” - ông Tùng nói.


“Hiệp sĩ của công lý”


Xuất thân từ quan tòa, LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho đến khi chuyển sang hành nghề LS, ông càng thấy nghề LS rất thú vị.

Hiện nay, pháp luật đã trao cho LS rất nhiều quyền để bảo vệ cho thân chủ, khách hàng của mình trong các vụ án. Đặc biệt là trong tố tụng hình sự, luật cho phép LS được quyền thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh những tình tiết trong vụ án. “Chính vì lẽ đó, nếu LS làm tốt thì những chứng cứ này có giá trị tương đương như chứng cứ của cơ quan điều tra. Việc tự mình đi thu thập chứng cứ và bảo vệ cho thân chủ khiến tôi cảm thấy nghề LS là một nghề rất thú vị” - LS Phạm Công Hùng nói.


LS Nguyễn Thành Công (Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho rằng quyền lợi của thân chủ là yêu cầu phục vụ tối cao của người LS bên cạnh việc bảo vệ công lý, trên cơ sở pháp luật. Pháp luật quy định chuẩn mực để xử sự trong đời sống xã hội nên chế tài được đặt ra để xử lý các sai phạm so với chuẩn mực đó. Người LS là thành tố tạo nên sự bảo vệ đúng đắn nhất khi sử dụng nghiệp vụ tác động để pháp luật không nghiêm khắc tuyệt đối mà đảm bảo nguyên tắc “trong lý còn có tình”. LS góp phần mổ xẻ vụ án ở nhiều góc cạnh khác nhau để người phán xét (thẩm phán) có thể nhìn đa diện và đánh giá chính xác hơn khi phán quyết.


“Công lý là sự đúng đắn, chuẩn mực. Tuy nhiên, ở mỗi góc nhìn khác nhau thì sự vật, hiện tượng đó được quan sát ở chiều kích khác nhau. LS là người hướng sự nhìn nhận đó tiệm cận với sự đúng đắn nhất. Vì vậy, LS luôn mang trọng trách bảo vệ công lý và được xem như là một “hiệp sĩ công lý”” - LS Công bày tỏ.


Chia sẻ thêm, LS Công nói ông yêu nghề LS và vô cùng hài lòng vì sự chọn lựa của mình. Bởi theo ông, nghề này có nhiều điểm đặc biệt ở giá trị mang lại cho xã hội. Người LS là nhà tư vấn để hoạch định chương trình, kế hoạch hay phương án làm ăn, hợp đồng hợp tác của thân chủ.

“LS như là người bạn, người thân đối với các thân phận đang có vướng mắc pháp lý hay khó khăn trong công việc. Có thể xem LS như chỗ dựa mềm mại nhưng vững chắc để cá nhân, tổ chức có thể hóa giải được các khó khăn thực tế, mang lại sự an tâm, an toàn cho họ” - LS Công nói.


Thiên chức và luật định


Với gần 20 năm trong nghề, tôi luôn kỳ vọng về nghề LS cũng như đội ngũ LS TP.HCM và Việt Nam nói chung phải hành nghề đúng với thiên chức và luật định.

Thiên chức là quy định bất thành văn và mang tính tinh thần khi phải trung thực, công bằng, có chính kiến, lấy quyền và lợi ích chính đáng của thân chủ làm tiêu chí hướng đến. Luật định cho nghề LS với các quyền, nghĩa vụ cụ thể trong từng trường hợp để tạo ra hành động, ứng xử và hoạt động đúng đắn. Hài hòa giữa thiên chức và luật định đòi hỏi LS phải có bản lĩnh, phải tích lũy đủ kiến thức, nghiệp vụ để tạo chỗ dựa xứng đáng cho thân chủ và nhận được sự tôn trọng của các cơ quan chức năng và xã hội.


LS NGUYỄN THÀNH CÔNG,

Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM


Nguồn bài viết: https://plo.vn/luat-su-nguoi-gop-phan-bao-ve-cong-ly-post702389.html

Từ khóa: 

Công lý, Ngày truyền thống luật sư, Người bảo vệ công lý

Nguồn: 

Tải xuống

TIN BÀI MỚI

Quy định pháp luật về tình tiết "Phạm tội với người già yếu"

Đoàn Luật sư TP.HCM thực hiện chiến dịch luật sư tình nguyện trao tặng 1 tỷ đồng

Đông Phương Luật được vinh danh "Tổ Chức Hành Nghề Luật Sư Tiêu Biểu" giai đoạn 2021-2023

Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy

bottom of page